Thời kỳ Trung cổ (từ năm 400 đến 1400)

Trong thời kỳ Trung cổ, xã hội châu Âu gồm có 3 giai cấp, giai cấp cao nhất là tầng lớp vua chúa, quý tộc và địa chủ. Họ sở hữu ruộng đất và được hưởng nhiều đặc quyền. Những huyền thoại về các hiệp sĩ oai hùng cũng xuất phát từ tầng lớp này. Giai cấp thứ hai là giới tăng lữ, gồm các linh mục và tu sĩ thuộc các nhà thờ Công giáo. Tầng lớp thứ ba gồm tất cả những thành phần còn lại: nông dân, dân nghèo thành thị, nông nô ..v.v… Vào thời kỳ này, những trung tâm âm nhạc lớn đều thuộc nhà thờ.

Trong suốt thời kỳ Trung cổ, cho đến năm 1100, dòng nhạc chủ điệu (monophonic: chỉ gồm một bè chính) chiếm ưu thế. Khi cuộc sống được cải thiện và văn minh hơn, người ta bắt đầu chú ý đến con người. Vào cuối thời kỳ Trung cổ, dòng nhạc phức điệu (polyphony: nhiều bè chính diễn tấu cùng lúc) bắt đầu phát triển.

Hai nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc phức điệu thời kỳ đầu là Leonin và Perotin thuộc Nhà thờ Đức Bà Paris. Sau đó có thêm nhạc sĩ Guillaume de Machaut.

Âm nhạc nhà thờ

Trong thời kỳ Trung cổ, nhà thờ chiếm vị trí quan trọng trong đời sống. Vì vậy, âm nhạc nhà thờ chiếm địa vị độc tôn từ khoảng năm 350 cho đến năm 1100, hầu hết các bản nhạc đều xuất phát từ các tu viện. Điều này có nghĩa là đa số các nhạc sĩ là các tu sĩ, linh mục thuộc nhà thờ Thiên Chúa giáo. Những tu sĩ này tin rằng tài năng của mình do Thượng đế ban cho, những gì họ sáng tác đều nhằm mục đích tôn vinh Thượng đế. Vì vậy, những tác phẩm thời kỳ này hầu hết đều không ghi tên tác giả.

Âm nhạc nhà thờ gọi là bình ca (plainsong), chỉ gồm một giai điệu chính với lời hát bằng tiếng Latin, không có nhạc cụ đệm. Giai điệu của bình ca đơn giản, dễ hiểu, dễ thuộc. Lời ca thường là một phần của lễ ca (messe) Thiên Chúa giáo La Mã.

Những bài hát còn lưu truyền đến nay được biết dưới tên gọi bài hát Gregorian (Gregorian chant), lấy theo tên của giáo hoàng Gregory đệ nhất (590-604). �"ng đã có công tập hợp các bài bình ca theo một trật tự đặc biệt rồi truyền bá khắp châu Âu và đế quốc La Mã.



Đàn Grand Organ

Âm nhạc thế tục

Âm nhạc thế tục thời kỳ này chủ yếu là dân ca, đơn giản hơn âm nhạc nhà thờ, gồm các bài ca, điệu nhạc chủ điệu (monophonic) do những người hát rong trình diễn. Những người hát rong thời Trung cổ được gọi là jongleur (theo tiếng Anh), troubadour hoặc trouvère (theo tiếng Pháp), và minnesinger (theo tiếng Đức).

Những người hát rong lang thang từ tòa thành này đến tòa thành khác, ca hát, kể chuyện và diễn trò. Giống như bình ca, nhạc thế tục cũng rất đơn giản với một giai điệu chính. Tuy nhiên, tiết tấu của chúng nhanh hơn nhạc nhà thờ và không dùng lời ca tiếng Latin. Những người hát rong dần dần tụ họp lại thành các phường, hội, và được xếp vào giới trung lưu trong xã hội.

Những bài hát của người hát rong thường có nhạc cụ dây và trống đệm theo. Cả âm nhạc nhà thờ và âm nhạc thế tục đều sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau, ví dụ như đàn dây gồm có lyre, psaltery, fiddle hoặc vielle. Đàn phím thời kỳ này chính là organ. Nhạc cụ gõ gồm có trống và chuông nhỏ.

Đàn viell